Khi làm Career Coach một case phổ biến mình thường gặp đó là bạn đang làm công việc A nhưng thấy chưa phải là đam mê hay thấy bản thân quá phù hợp. Chấm điểm có lẽ là 6/10. Bạn biết được lĩnh vực B cũng rất tiềm năng và có hứng thú muốn tìm hiểu. Thế nhưng bạn không thể nghỉ việc A ngay lập tức vì quá rủi ro, cũng không biết được việc B có thực sự phù hợp với mình hay không. Bạn loay hoay hoài với 2 lựa chọn đó.
Mình biết là không phải bạn nào cũng đăng ký coaching được vậy nên hôm nay mình sẽ chia sẻ cách mình hướng đẫn các bạn để tự các bạn có thể giải quyết được khó khăn bên triên cho bản thân mình nhé.
Trước hết ta phải xác định nếu công việc hiện tại không quá tệ, bạn vẫn thấy phù hợp với nó ở một số điểm (khoảng 6/10) không tới mức mỗi ngày đi làm đều là cực hình. Thì mình khuyên là bạn vẫn nên duy trì công việc hiện tại và dành thời gian sau giờ làm việc 5-9 hay cuối tuần để tìm hiểu những lĩnh vực khác trước khi bạn có một câu trả lời chắc chắn hơn là bạn hợp với nghề nào.
Sau đây là từng bước bạn cần làm để giúp đánh giá được (phần nào) bản thân mình có phù hợp với nghề nào đó hay không
Nghiên cứu sâu thông qua internet
Hầu hết các ngành nghề đều có thông tin sẵn có trên internet rồi. Lĩnh vực nào cũng có các anh chị senior từng viết và chia sẻ về nó. Thông tin sẵn có, việc của bạn là phải đọc đủ nhiều và đào đủ sâu. Ở giai đoạn này đây là những câu hỏi bạn cần trả lời được:
- Chi tiết của công việc đó là gì, từng đầu mục và nhiệm vụ cụ thể? Vị trí đó đóng vai trò như thế nào trong tổ chức/ doanh nghiệp?
- Lộ trình phát triển của lĩnh vực đó ra sao? Có những hướng phát triển nào, yêu cầu của từng nhánh?
- Để làm tốt công việc đó cần có những năng lực, bằng cấp kỹ năng gì?
- Ai sẽ là người có tính cách, năng lực phù hợp với công việc này?
- Ưu điểm, nhược điểm? Tiềm năng và thách thức phát triển của ngành/ lĩnh vực đó?
Tham khảo chuyên gia
Tất cả những thông tin trên bạn có thể tìm thông qua Internet nhưng tính xác thực và cập nhật thì bạn chưa thể đánh giá được. Vì vậy bạn cần nói chuyện với một chuyên gia đang làm việc trong lĩnh vực đó để xác nhận lại thông tin và hỏi nhứng insight sâu hơn. Chuyên gia ở đây nên là người đã thành công trong lĩnh vực đó. Bởi họ đã làm đủ lâu để đạt được thành tựu nhất định nên sẽ biết những best practice nhất và công thức để thành công trong lĩnh vực này. Chuyên gia cũng nên là người đã có kinh nghiệm tuyển dụng và đào tạo các vị trí chuyên môn của lĩnh vực đó từ level fresher, junior trở lên. Có như vậy họ mới giúp bạn trả lời được hai câu hỏi quan trọng
- Người như thế nào sẽ dễ đạt được thành công trong lĩnh vực này?
- Anh/chị đánh giá mứ độ phù hợp của em với vị trí này ra sao
Một cách đơn giản hơn để dễ tiếp cận với các chuyên gia là đi phỏng vấn thử cho các vị trí này ở level junior với fresher nhé.
Khóa học thực chiến
Nếu sau khi trao đổi với chuyên gia bạn vẫn còn hứng thú và thấy mình phù hợp và muốn phát triển sâu hơn. Thì bước tiếp theo sẽ là thử đăng ký các khóa học thực chiến. Vì sao phải là thực chiến? Vì bạn cần có được những tương tác và trải nghiệm thực tế với công việc để đánh giá tốt hơn. Mình biết có nhiều khóa học về DA, BA, Recruitment, Design, v.v hiện tại cho phép bạn thực hành trực tiếp trên công việc thật (dù là nhỏ thôi), hoặc làm dự án nhỏ hay được làm quen các công việc của một intern. Câu hỏi bạn cần trả lời ở giai đoạn này đó là
- Sau khi đã trảinghiệm thực tế bạn còn hứng thú với công việc này không?
- Khả năng học hỏi của bạn cho lĩnh vực này có nhanh hơn mọi người không?
- Làm thế nào nếu bạn muốn chuyển ngành?
Sau khi bạn làm hết những bước trên đây dù không chắc chắn 100% được rằng bạn có phù hợp với lĩnh vực nào đó hay không. Nhưng ít nhất bạn cũng có những cơ sở nhất định để đánh giá mức độ phù hợp của mình và đưa ra lựa chọn bớt rủi ro hơn. Còn việc còn lại là phải dũng cảm ra quyết định thôi nè.
You will never know what life will get you to. And that makes life interesting.
Adele