Khi lựa chọn công việc mình ít khi chọn sếp hay kỳ vọng sếp là người chỉ dẫn chính của mình. Bởi vì nếu chọn sếp thì mình buộc phải từ bỏ những yếu tố khác về cơ hội phát triển, mức lương hay danh tiếng công ty. Vậy để bù đắp cho việc có thể sếp không phải là mentor thì mình có rất nhiều mentor ngoài công ty.
Có những mentor mình hay hỏi về chuyên môn tuyển dụng. Có mentor mình sẽ hỏi về kỹ năng quản lý và xây dựng đội ngũ hay xử lý những mối quan hệ công việc. Có mentor là người hướng dẫn các bước đi của mình trong lĩnh vực blockchain. Và cũng có những mentor mình chỉ nói về những kế hoạch rất xa về mình muốn trở thành người thế nào, giá trị cốt lõi ra sao. Mentor của mình hầu hết đều là những mối quan hệ tình cờ và tự nhiên mà trở thành chứ mình ít khi target họ trở thành mentor. Đương nhiên là không có điều gì tự nhiên mà tới. Dù bây giờ mình đang điều hành business về business về Career Coach và Consulting mình vẫn luôn còn nhiều vấn đề cần học hỏi và hỗ trợ từ các anh chị đi trước.
Các bạn trẻ trong giai đoạn đầu của sự nghiệp thường có nhiều hoang mang và luôn muốn có mentor người đi trước để có thể giúp soi đường chỉ lối. Nhưng nhiều khi bạn thấy người bạn muốn được mentor lại ở khoảng cách xa quá, có thể họ quá giỏi hoặc xa cách với bạn vì hai người không có nhiều mối liên hệ. Rồi bạn ngại kết nối, không dám tiếp cận.
Nỗi lo thường trực hơn đó là không biết mở lời hay nhờ các anh chị mentor như thế nào vì sợ mình làm phiền hay bị từ chối. Không biết làm sao để các anh chị đồng ý là mentor cho mình.
Vậy nên với bài biết này mình sẽ một lần nói hết quan điểm của mình về câu chuyện mentor mentee và cách giúp bạn tìm được mentor phù hợp với mình.
Vì sao chúng ta cần mentor?
Trước hiết chúng ta đều phải đồng ý sự quan trọng của có mentor trong hành trình phát triển sự nghiệp. Thay vì có 1 người hướng dẫn là sếp trực tiếp thì bạn có thể có đến 4 – 5 người hướng dẫn thuộc nhiều background khác nhau giúp bạn đi nhanh hơn trong sự nghiệp. Bởi có nhiều thứ thuộc về nhóm bạn không biết là bạn không biết. Có mentor bạn sẽ học được wisdom từ 4 – 5 người cộng lại trong hàng chục năm. Hơn nữa nếu phát triển theo một chuyên môn cố định, bạn đang đi lại con đường của hàng ngàn người khác đã từng đi. Có những trải nghiệm ai cũng gặp, nếu biết được trước thì sẽ tránh được nhiều sai lầm hơn. Không phải bài học nào cũng nên trả giá.
Mentor họ là ai?
Mentor là người mà bạn tìm đến khi cần tìm kiếm lời khuyên, kiến thức hay khi gặp các vấn đề trong công việc. Họ nên là người có chuyên môn, kiến thức vững vàng trong lĩnh vực bạn đang định hỏi. Tốt nhất nên là người có thành tựu/track record tốt trong lĩnh vực đó. Bởi khi tìm lời khuyên của mentor bạn phải thực sự tin. Và bạn chỉ có thể tin nếu mình vào kết quả mà họ đã đạt được.
Mối quan hệ mentor – mentee cũng là một mối quan hệ như các mối quan hệ khác. Nó giống như một tình bạn đặc biệt nhưng với một người bạn lớn tuổi hơn có nhiều trải nghiệm, kiến thức hơn.
Đôi khi chúng ta không nhất thiết phải gọi tên nó ra một cách chính thức như “Anh/chị là mentor của em nhé?” mà chỉ cần họ vẫn luôn sẵng sàng hỗ trợ, tư vấn và chia sẻ với bạn khi cần như bên trên và hai người ngầm hiểu với nhau vậy là đủ rồi.
Vì sao một người chọn mentor bạn lâu dài?
Mentor là một mối quan hệ lâu dài. Nếu một người giúp bạn trả lời một vài câu hỏi trong khoảng thời gian ngắn, đó chưa được coi là mentor. Vậy mội mối quan hệ muốn duy trì lâu dài, bền vững là mối quan hệ phải có tương tác từ hai phía. Dựa treo trải nghiệm của mình, để một người lựa chọn mentor cho ai đó trong vài năm chủ yếu đến rơi vào hai trường hợp sau:
- Vì họ yêu quý con người bạn, thấy bạn có tiềm năng, với sự hỗ trợ của họ thì tiềm năng của bạn sẽ được phát huy và bạn sẽ làm được nhiều điều có ích. Việc mentor cho bạn là cách họ pay it forward, cho đi kiến thức và kỹ năng của mình để đóng góp cho cộng đồng.
- Vì bạn đã từng giúp đỡ họ những việc nhỏ ngay cả khi họ không cần hoặc chưa nhờ tới, bạn đã làm nhiều việc tốt khiến họ để ý và quý mến bạn nhiều hơn, với tinh thần cầu thị. Và họ chọn mentor bạn như một cách return a favor, giúp đỡ lại bạn.
Cách để xây dựng mối quan hệ mentor mentee
1. Mở rộng mối quan hệ
Hãy bắt đầu để ý và tìm kiếm những mentor tiềm năng thông qua các mối quan hệ công việc, những người bạn làm việc trực tiếp hoặc hợp tác cùng, gặp gỡ tại các sự kiện networking, follow những người hay chia sẻ chuyên môn trong lĩnh vực của bạn. Những người hay chia sẻ thường sẽ có xu hướng muốn cho đi và hỗ trợ nhiều hơn. Bạn có thể follow họ online trước và gặp gỡ offline sau. Điều quan trọng nhất là bạn bắt buộc phải có những kết nối offline với họ để đặt một nền móng vững chắc cho mối quan hệ này.
2. Duy trì kết nối online và offline
Đừng nóng vội mà đặt vấn đề luôn. Cũng như những mối quan hệ khác bạn cần cho hai người thời gian tìm hiểu lẫn nhau. Các anh chị mentor chưa biết bạn là ai, tính cách như thế nào chỉ qua một vài lần gặp gỡ ngắn ngủi. Mạng xã hội là nơi nhanh nhất để tìm hiểu về một con người nên hãy đừng ngại mà chia sẻ và thể hiện bản thân mình trên mạng xã hội. Bạn làm công việc gì, tham gia các hoạt động nào. Quan điểm tư duy của bạn ra sao. Cũng đừng quên tương tác với các anh chị mentor để duy trì mối quan hệ tốt hơn nha.
3. Nhờ những điều nhỏ trước
Thay vì yêu cầu họ là mentor cho bạn luôn thì bạn có thể nhờ họ giải đáp một vài vấn đề nhỏ mà không tốn quá nhiều thời gian. Bạn có thể đo lường được mức độ quan tâm của các anh chị thông qua tần suất và cách họ trả lời. Giai đoạn này bạn cũng có thể pay it forward, chủ động kết nối và hỗ trợ khi các anh chị cần. Nếu được tham gia cùng 1 dự án với các anh chị mentor là cách tốt nhất đề phát triển mối quan hệ này.
4. Tương tác nhiều hơn
Sau một thời gian dựa vào mức độ quan tâm, hứng thú, thời gian dành cho bạn mình tin là bạn cũng nhận ra ai sẽ là mentor phù hợp và nên dành thời gian tương tác nhiều hơn. Cũng đừng quên, cũng giống như các mối quan hệ khác mối quan hệ này cũng nên được xây dựng từ nền tảng sự chân thành và cân bằng mục đích của cả hai bên.
Hiện tại có nhiều nền tảng kết nối mentor mentee và nhiều chương trình mentorship nhưng mình không đề cập đến ở đây. Bởi vì các mentor tham gia chương trình đó có nhiều mục tiêu các nhau và thường các chương trình đó có thời hạn nhất định. Bạn thường được chọn mentor chứ mentor không được chọn bạn hoặc ngược lại. Vậy nên nó không phải là mối quan hệ bền vững và có thể duy trì lâu dài theo quan điểm của mình. Thế nhưng bạn cũng có thể tham khảo các chương trình trên như một bàn đạp để tiếp cận và kết nối với các mentor dễ hơn. Còn việc phát triển và duy trì mối quan hệ đó như thế nào thì vẫn nên theo những tư duy nền tảng mình hướng dẫn bên trên nhé.
Adele